Mãn nhãn công nghệ quốc phòng hiện đại của Việt Nam tại Triển lãm quốc phòng quốc tế 2024
Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 được Bộ Quốc phòng tổ chức tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, với quy mô lớn hơn rất nhiều cả về diện tích lẫn số lượng khách mời so với lần 1 năm 2022.
Theo thông tin từ ban tổ chức triển lãm, đã có hơn 140 đầu mối, công ty đến từ 27 quốc gia đăng ký tham gia trưng bày sản phẩm, hơn 60.000 người đã đăng ký tham quan.
Triển lãm lần này sẽ trưng bày sản phẩm quốc phòng của 242 đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Trong đó nhiều đơn vị, tập đoàn quốc phòng nổi tiếng đến từ các nước có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, phát triển như Nga, Ấn Độ, Israel, Trung Quốc, Mỹ…
Đặc biệt, Việt Nam có sự góp mặt của 69 chủng loại khí tài, vũ khí của 77 đơn vị, là sản phẩm của “tự chủ công nghiệp quốc phòng” như Tập đoàn Công nghiệp – viễn thông quân đội (Viettel), các nhà máy Z111, Z113, Z131, Z175, các công ty thành viên thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, các công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng…
Nhiều loại khí tài quân sự mới do ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam tự phát triển, sản xuất, lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm.
Trong đó, Tập đoàn Viettel trưng bày trên 80 sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, gần 30 sản phẩm công nghệ thuộc lĩnh vực dân sự trên diện tích 2.600m2 và là đơn vị có diện tích trưng bày lớn nhất tại triển lãm.
Đây là những sản phẩm công nghệ do chính Việt Nam làm chủ, nghiên cứu và sản xuất, góp phần thể hiện sức mạnh của công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Nhiều sản phẩm phục vụ tác chiến hiện đại lần đầu tiên được giới thiệu như máy bay không người lái (UAV) cự ly 1.000km, tổ hợp trinh sát và gây nhiễu chống UAV, ra đa điều khiển hỏa lực quét búp sóng điện tử chủ động (beam-forming)…
Triển lãm lần này cũng sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm lưỡng dụng sử dụng công nghệ hiện đại, có tính dẫn dắt thị trường, cạnh tranh quốc tế.
Trong đó có thể kể đến công nghệ beam-forming ứng dụng trong cả ra đa và thiết bị 5G; công nghệ thị giác máy tính ứng dụng trong UAV và nhà máy thông minh; thực tế ảo (AR/VR) ứng dụng trong mô hình huấn luyện và mô hình đào tạo lái xe, ứng dụng giải trí số.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết các sản phẩm quân sự công nghệ cao trưng bày dịp này sẽ phù hợp với điều kiện môi trường, phương thức tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế…
Theo Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, đây sẽ là cơ hội để quảng bá, tuyên truyền năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp quốc phòng của Việt Nam.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 19 đến 22/12/2024, đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Đây là dấu mốc khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt chặng đường 80 năm qua.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 có ý nghĩa đặc biệt, là sự kiện quốc tế nổi bật với thông điệp “Hòa bình – Hợp tác – Cùng phát triển”, góp phần thúc đẩy đối ngoại và hợp tác quốc phòng trên tất cả các lĩnh vực; vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Nhiều nước lớn giới thiệu sản phẩm công nghiệp quốc phòng hội tụ
Sự hiện diện đông đảo của các đối tác đến từ nhiều quốc gia hàng đầu trên thế giới về công nghiệp quốc phòng tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã cho thấy sức hấp dẫn và lan tỏa của sự kiện.
Đại tá Thomas Jacob Bouchillon, tùy viên quốc phòng Mỹ tại Việt Nam, cho biết năm nay Mỹ cử đoàn có quy mô lớn gấp đôi so với năm 2022 sang tham dự triển lãm, dưới sự dẫn đầu của Đô đốc Samuel Paparo, tư lệnh Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Những sản phẩm mà Mỹ mang tới triển lãm như máy bay vận tải C-130J, máy bay cường kích A-10, xe bọc thép Stryker, hệ thống lựu pháo M777… chiếm diện tích thuộc hàng lớn tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) – nơi tổ chức triển lãm.
Theo ông Thomas Jacob Bouchillon, Việt Nam đang đóng vai trò toàn cầu “ngày càng quan trọng, không chỉ trong chính trị, kinh tế mà cả quốc phòng – an ninh” với triển lãm lần này là minh chứng sống động nhất.
“Việc tổ chức triển lãm cho thấy Việt Nam rất coi trọng hiện đại hóa quân đội cũng như thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng. Chúng tôi rất trông đợi hợp tác với Việt Nam trong thực hiện nỗ lực này”, đại tá Thomas Jacob Bouchillon khẳng định.
Pháp, Úc và Nga – ba nước Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam – cũng cử các đoàn tham dự triển lãm lần này, đồng thời đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện. Khu trưng bày của Nga tổng diện tích hơn 700m2, gấp ba lần diện tích trong triển lãm năm 2022.
Theo ông Dmitry Evgenyevich Shugaev – giám đốc Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật – quân sự (FSMTC) của Nga, 38 đơn vị của Nga có kế hoạch giới thiệu sản phẩm cho lục quân, không quân, hải quân, lực lượng phòng không cũng như các lực lượng đặc biệt và các cơ quan thực thi pháp luật.
Nguồn : baotuotre, baochinhphu
Bài viết Mãn nhãn công nghệ quốc phòng hiện đại của Việt Nam tại Triển lãm quốc phòng quốc tế 2024 đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Châu Âu TV.