Thất nghiệp của giới trẻ là “bom hẹn giờ” ở nhiều nền kinh tế châu Á
Nhiều nền kinh tế đông dân, có tốc độ tăng trưởng cao ở châu Á đối mặt với thực tế đáng lo ngại khi những người lao động trẻ đang chật vật
Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ duy trì ở mức cao và kéo dài ở các nước từ Trung Quốc, Ấn Độ cho đến Indonesia, Malaysia và Bangladesh. Tình trạng này có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế và dẫn đến những căng thẳng xã hội.
Thất nghiệp của thanh niên ở mức cao
Tại Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16-24 tuổi tăng lên 17,1% trong tháng Bảy, theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc. Đây là mức thất nghiệp cao nhất của thanh niên kể từ khi Bắc Kinh áp dụng hệ thống tính toán dữ liệu mới kể từ tháng 12 năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tổng thể ở khu vực thành thị trong tháng trước chỉ ở mức 5,2%.
Tại Ấn Độ, nơi nền kinh tế tăng trưởng 8% trong năm kết thúc vào tháng 3, tình trạng thất nghiệp của thanh niên là vấn đề nhức nhối. Nhóm lao động ở độ tuổi từ 15-29 chiếm 83% tổng số lao động thất nghiệp ở Ấn Độ, theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Viện Phát triển con người (IHD).
Dữ liệu của chính phủ Ấn Độ cho thấy, gần 16% thanh niên thành thị trong độ tuổi 15-29 thất nghiệp trong giai đoạn 2022-2023 do kỹ năng kém và thiếu việc làm chất lượng. Hay ở Indonesia, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 14% và ở Malaysia là 12,5%.
Hồi tháng 4, Chủ tịch đảng đối lập Quốc đại Ấn Độ (INC), Rahul Gandhi chỉ trích Thủ tướng Narendra Modi và đảng cầm quyền BJP đang biến Ấn Độ thành “trung tâm thất nghiệp” của thế giới. Ông ví tình trạng thất nghiệp cao ở giới trẻ giống như “quả bom hẹn giờ”.
Quả bom này đã “phát nổ” ở nước láng giềng Bangladesh, nơi từ lâu được coi là hình mẫu phát triển để giảm tình trạng nghèo. Nước này đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6,5% mỗi năm trong thập niên qua. Nhưng trong vài năm qua, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên của quốc gia Nam Á tăng lên 16%, mức cao nhất trong ít nhất 30 năm qua, theo dữ liệu của IMO. Sự phản ứng trước triển vọng việc làm u ám là nguyên nhân chính dẫn đến các sự kiện hỗn loạn trong tháng này ở Bangladesh.
Tại các quốc gia đông dân nói trên, có tới 30 triệu người trong độ tuổi từ 15-24 đang tìm kiếm việc làm nhưng không tìm được công việc phù hợp. Theo dữ liệu của ILO, họ chiếm gần một nửa trong tổng số 65 triệu thanh niên thất nghiệp trên toàn cầu ở độ tuổi đó.
Nâng cấp ngành sản xuất không còn dễ dàng
Đối với các nước châu Á không có mạng lưới sản xuất khổng lồ như Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở mức hai con số ở thanh niên đặt ra những câu hỏi cấp bách về cách tiến lên nấc thang phát triển cao hơn và cái giá phải trả nếu không làm được điều đó.
Tại Indonesia, mức tăng trưởng kinh tế vững chắc 5% phần lớn nhờ làn sóng đầu tư mạnh mẽ chưa từng có vào hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Nhưng đây là những lĩnh vực sử dụng nhiều máy móc hạng nặng, không cần nhiều lao động.
Ở nhiều nước châu Á, tình trạng khó kiếm được việc làm bền vững kéo dài đến tận độ tuổi trên 24 của người tìm việc. Năm ngoái, 71% của nhóm thanh niên 25-29 tuổi ở khu vực Nam Á có công việc không ổn định. Nghĩa là họ tự làm chủ hoặc làm công việc tạm thời. Tỷ lệ này không giảm đáng kể so với con số 77% được ghi nhận hai thập niên trước.
Báo cáo của ILO cho thấy, trên toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ có xu hướng cao hơn so với lực lượng lao động nói chung.
Nhưng ở khu vực châu Á, nơi nhiều nước đang phát hướng đến câu chuyện kinh tế thành công như Trung Quốc, xu hướng này đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu nấc chiếc thang dẫn đến thịnh vượng có đứt gãy?
Trường hợp của Bangladesh là ví dụ điển hình. Quốc gia Nam Á này đã thoát nghèo bằng cách trở thành công xưởng may mặc của thế giới. Hàng triệu phụ nữ trẻ rời bỏ công việc đồng ánh ở nông thôn của Bangladesh để gia nhập các nhà máy sản xuất quần jean, áo sơ mi và áo len cho các thương hiệu lớn của phương Tây.
Nhưng sau đó, Bangladesh bế tắc trong việc thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao. Nước này đã không thể nâng cấp lên các ngành sản xuất phức tạp hơn, có giá trị cao hơn, chẳng hạn như điện tử, máy móc hạng nặng hoặc bán dẫn. Đây là những lĩnh vực cần những lao động có tay nghề cao hơn và được trả lương cao hơn.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc tạo ra câu chuyện thành công kinh tế đột phá nhờ vào quá trình chuyển đổi sản xuất. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển ở châu Á hiện nay, con đường chuyển đổi đó đã có độ dốc lớn hơn nhiều. Họ phải cạnh tranh với ngành công nghiệp sản xuất siêu hiệu quả của Trung Quốc. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển như Mỹ đang nỗ lực tự sản xuất nhiều sản phẩm hơn.
Công nghệ tự động hóa đang thay đổi bức tranh của ngành sản xuất. Ngay cả ngành công nghiệp may mặc, động lực tăng trưởng chính của Bangladesh, cũng đang chuyển sang sử dụng máy móc thay để giảm bớt chi phí nhân lực. Xuất khẩu hàng may mặc của Bangledesh tăng gấp đôi trong thập niên qua, dù việc làm nói chung trong lĩnh vực này tăng với tốc độ chậm hơn nhiều.
Thiếu công việc cho nhóm lao động trẻ có kỹ năng
Một vấn đề khác mà nhiều nước châu Á đang đối mặt là thiếu công việc phù hợp với kỹ năng của nhóm lao động trẻ có trình độ học vấn cao.
Ngày càng có nhiều người lao động ở các nước phát triển ở châu Á theo đuổi giáo dục đại học. Khi lấy được tấm bằng đại học, họ ưu tiên tìm kiếm công việc văn phòng trong các lĩnh vực như thiết kế, tiếp thị, công nghệ và tài chính. Nhưng đó lại là những công việc mà đất nước của họ chưa tạo ra được nhiều.
Theo báo cáo năm 2023 của Đại học Azim Premji ở thành phố Bangalore (Ấn Độ), hơn 40% sinh viên tốt nghiệp đại học dưới 25 tuổi của Ấn Độ đang thất nghiệp. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp 11% ở nhóm lao động cùng độ tuổi, biết chữ nhưng chưa học xong tiểu học.
Theo Kunal Sen, giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới của Đại học Liên Hợp Quốc ở Phần Lan, giới trẻ ở các nước đang phát triển ở châu Á muốn thoát ra tình cảnh lao động chân tay vất vả của cha mẹ bằng cách học cao hơn.
Ở Bangladesh, những người có bằng đại học có tỷ lệ thất nghiệp cao gấp ba lần so với tỷ lệ thất nghiệp tổng thể, theo một cuộc khảo sát của chính phủ vào năm 2022. Thư viện ở Đại học Dhaka, một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu của đất nước, luôn đông đúc những cựu sinh viên thất nghiệp miệt mài ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi công chức đầu tiên, thứ hai hoặc thậm chí thứ ba. Nhiều người sống nhờ tiền trợ cấp của cha mẹ cho đến trên 25 tuổi.
Aktaruzzaman Firoz, 28 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ xã hội học năm 2021 nhưng không tìm được việc làm dù đã ứng tuyển tới 50 vị trí. Anh chia sẻ, trong năm nay, anh đã cạnh tranh ứng tuyển công việc chính phủ với 500 ứng viên khác cho hai vị trí. Firoz lọt vào vòng cuối nhưng rồi bị loại.
Nhiều người Bangladesh quyết tâm ứng tuyển công việc có uy tín của chính phủ vì khu vực tư nhân kém phát triển của đất nước này không cung cấp nhiều công việc văn phòng ổn định.
Theo Asif Mahmud, một sinh viên lãnh đạo biểu tình 26 tuổi, hiện là cố vấn của Bộ Thanh niên và thể thao của chính phủ lâm thời Banglesh, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những cuộc biểu tình là cuộc khủng hoảng việc làm ngày càng gia tăng. Anh đặt mục tiêu giải quyết vấn đề bằng cách cho phép các trường đại học hợp tác với ngành công nghiệp để đào tạo những sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng làm việc.
Nguồn baomoi
Bài viết Thất nghiệp của giới trẻ là “bom hẹn giờ” ở nhiều nền kinh tế châu Á đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Châu Âu TV.