CÁC DẠNG HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý
Trước khi bạn bắt đầu làm việc dù trên bất kỳ cơ sở nào và chủ lao động là ai thì việc đầu tiên cần làm là phải có hợp đồng/thoả thuận về công việc bạn sẽ làm tại công ty đó.
Hợp đồng/thoả thuận lao động là sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa chủ lao động và nhân viên, và tất cả điều khoản đều phải được áp dụng dựa theo Bộ luật lao động.
Sau khi bắt đầu làm việc, lao động và chủ lao động đều có quyền yêu cầu từ bên thứ 2 về thời gian thử việc: thường là 3 tháng ở vị trí nhân viên, 6 tháng ở vị trí quản lý. Trong thời gian này lao động hoặc chủ lao động đều có quyền chấm dứt hợp đồng/thoả thuận lao động mà không cần lý do.
Thông báo chấm dứt hợp đồng/thoả thuận lao động phải được viết bằng văn bản.
CÁC DẠNG HỢP ĐỒNG/THOẢ THUẬN LAO ĐỘNG THƯỜNG GẶP:
1) HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG – HĐLĐ (Pracovní smlouva)
Đây là dạng hợp đồng “đầy đủ” nhất cho người lao động, chủ lao động có nghĩa vụ đăng ký lên phòng Xã Hội, bảo hiểm Y Tế và Sở Lao Động để hàng tháng nộp tờ khai bảng lương và thay bạn đóng các khoản Y Tế, Xã Hội theo quy định.
HĐLĐ có thể được ký có thời hạn hoặc vô thời hạn.
HĐLĐ có thời hạn được ký với thời gian tối đa là 3 năm kể từ ngày bắt đầu làm việc. Chủ lao động được phép gia hạn HĐLĐ thêm 2 lần nữa sau khi hết hạn (2x 3 năm).
Trong trường hợp bạn nghỉ việc (không gia hạn thêm HĐLĐ) sau khi kết thúc HĐLĐ, bạn chỉ được quay lại làm việc tại công ty đó sau 6 tháng kể từ ngày kết thúc HĐLĐ.
Sau khi HĐLĐ hết quyền gia hạn nhưng bạn và chủ lao động vẫn muốn ở lại công ty làm việc, HĐLĐ sẽ tự động chuyển sang dạng vô thời hạn (Pracovni smlouva na dobu neurcitou).
2) THOẢ THUẬN GIA CÔNG (Dohoda o provedení práce)
Đây là kiểu thoả thuận mà người Việt mình hay gọi là hợp đồng làm thêm / brigada.
Dựa theo hợp đồng này thì người lao động chỉ được làm việc nhiều nhất 300 giờ/năm tại 1 chủ lao động.
Lương tính theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu (từ tháng 1/2020 là 87,30 kc/giờ). Mức lương tối đa không giới hạn.
Nếu lương được trả dưới 10 000kc/tháng, chủ lao động không có nghĩa vụ trả thay bạn bảo hiểm y tế và xã hội, nhưng phải trả 15% thuế thu nhập cá nhân (chỉ đăng ký bạn lên sở lao động)
Nếu lương của bạn trên 10 000kc/ tháng, thì chủ lao động sẽ phải đăng ký bạn lên cả sở Xã Hội và bảo hiểm Y Tế.
3) THOẢ THUẬN LAO ĐỘNG (Dohoda o pracovní činnosti)
Đây cũng là dạng thoả thuận bán thời gian, người lao động đi làm không quá 20h/tuần.
Nếu lương nhận được không quá 3000,-/tháng và bạn không được hỗ trợ bảo hiểm từ nhà nước, bạn sẽ phải trả BHYT hàng tháng mức minimum (năm 2020 là 1971,-/tháng).
Nếu mức lương từ 3001,-/tháng, chủ lao động sẽ thay bạn trả BHYT và BHXH. Số giờ làm việc sẽ được cộng vào để tính lương hưu sau này.
NGUỒN : CZECH VIET JOB
Bài viết CÁC DẠNG HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Châu Âu TV.