Du học các nước không nói tiếng Anh, làm sao để ‘sống sót’?
Chọn học tập và sinh sống ở những quốc gia không dùng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ, du học sinh Việt có những bí quyết gì để nhanh chóng thích nghi và có nhiều trải nghiệm mới mẻ?
Báo cáo “Tổng quan các chương trình dạy bằng tiếng Anh ở châu Âu” do Hội đồng Anh phối hợp thực hiện với Studyportals mới đây cho thấy, ngày càng nhiều quốc gia không nói tiếng Anh cung cấp các chương trình dạy bằng tiếng Anh như Đức, Pháp, Ý, Hà Lan và Tây Ban Nha, với tổng số chương trình lên đến hàng ngàn. Xu hướng này góp phần thu hút người Việt đến học, như hơn 5.800 người ở Đức, hơn 5.200 ở Pháp, hơn 1.200 ở Hà Lan…
Nên thạo ngôn ngữ bản địa
Dù học chương trình dạy bằng tiếng Anh, song nhiều du học sinh nhận định rào cản lớn nhất vẫn là câu chuyện ngôn ngữ. Như Nguyễn Sơn, du học sinh ở Đức, nhìn nhận việc biết tiếng Đức gần như là bắt buộc cho dù học bằng ngôn ngữ nào. Bởi, dù hiểu và nói được tiếng Anh, người bản xứ cũng chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng Đức, thậm chí nói năng có phần khó để nghe hiểu.
Cách duy nhất để “sống sót” và hòa nhập với cộng đồng trong trường hợp này, Sơn nhận định tốt nhất là là tự học thêm tiếng bản địa. Đồng tình, Hoàng Yến, sinh viên ĐH Bonn (Đức), cho biết dù nhiều người khuyên chỉ cần có chứng chỉ tiếng Đức bậc B1 là được, nhưng thực tế chỉ ra các bạn nên đạt mức B2 để đủ khả năng hiểu và giao tiếp. “Nhưng dù học tốt cỡ nào, khi mới qua Đức tôi cũng bị sốc ngôn ngữ”, Yến bộc bạch.
Chung hoàn cảnh với Sơn và Yến, Hữu Trí, sinh viên năm 3 Trường Kinh doanh ESADE (Tây Ban Nha), cho biết bản thân chỉ biết tiếng Anh nên gặp không ít khó khăn tại Tây Ban Nha, một quốc gia chỉ “nói tiếng Anh rất ít”. Đó là lý do anh liên tục gặp nhiều vấn đề trong đời sống hằng ngày, từ mua hàng ở siêu thị đến làm thủ tục hành chính. Tương tự, vất vả khi thực hiện các hoạt động thường ngày cũng là điều mà Đặng Thảo An, du học sinh tại Đài Loan, phải trải qua dù đã có chứng chỉ tiếng Trung sau 6 tháng học.
Theo An, vòng quan hệ là một trong những yếu tố hàng đầu giúp du học sinh có thể cải thiện khả năng ngoại ngữ. Như lúc ở Đài Loan, nữ sinh thường nói tiếng Anh vì bạn bè là người đa sắc tộc, do đó năng lực ngôn ngữ này cũng tăng theo. Một năm rưỡi sau đó, cô chuyển tiếp sang du học Mỹ và do chơi cùng nhóm bạn người Trung Quốc, Đài Loan nên khả năng tiếng Trung cũng tăng cao hơn hẳn, “không vật lộn như trước”.
Văn hóa cởi mở nhưng cần chú ý
Theo các du học sinh Việt, nếu chọn châu Âu là điểm đến, các bạn cần tìm hiểu tính đa dạng trong dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng… ở các quốc gia, từ đó điều chỉnh lối sống phù hợp chứ đừng chỉ chăm chăm vào việc học. “Ví dụ, bạn chung nhà với tôi theo đạo Hồi nên không bao giờ ăn hay chạm vào thức ăn được làm từ thịt heo. Thế nên, đồ dùng nấu nướng của chúng tôi buộc dùng riêng hoàn toàn”, Nguyễn Sơn kể.
Còn Hữu Trí nhận định người dân Tây Ban Nha khá vui vẻ, hào hứng và thích giao tiếp với người lạ. Nhưng để hiểu và thân được với mọi người sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn so với Việt Nam nhiều, bởi cần chịu khó quan sát, lắng nghe, chấp nhận sự khác biệt. “Tìm hiểu và làm quen được với lối sống, văn hóa của họ thì sẽ dễ hòa nhập hơn”, Trí khẳng định.
Trí cũng đau đáu vì từng có những người bạn chơi khá thân, song sau đó lại “đổ bể” vì tranh cãi đến từ những khác biệt trong suy nghĩ. “Có những hành động tôi nghĩ là được phép làm và tôi thấy nó hợp lý trong một mối quan hệ thân thiết. Tuy nhiên, đối với văn hóa của các bạn ấy thì họ lại cho là không phù hợp”, Trí bộc bạch.
Hoàng Yến thì cho rằng khi du học ở thành phố nào thì nên tìm hiểu người dân ở thành phố đó. Yến cảm nhận nơi mình đang sống mọi người khá thân thiện, gặp ai cũng chào, cười nhưng người ở các thành phố lớn “có vẻ hơi lạnh lùng”. “Tính cách của người Đức cũng tùy theo vùng, có lẽ do đến các thành phố lớn để làm việc nên họ bận rộn và không có nhiều thời gian để nói chuyện phiếm”, nữ sinh nêu góc nhìn.
Nguồn : thanhnien
Bài viết Du học các nước không nói tiếng Anh, làm sao để ‘sống sót’? đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Châu Âu TV.